Với cùng một vi phạm, đại biểu Quốc hội đề nghị cần giải thích rõ hơn về đề xuất tăng gấp 2 lần mức xử phạt vi phạm hành chính ở khu vực nội thành của 6 thành phố.
Tính toán thêm về đề xuất tăng mức xử phạt tiền ở các thành phố
Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính chiều 16/5, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) cho biết, dự thảo đề xuất bổ sung một số lĩnh vực được áp dụng mức xử phạt vi phạm bằng tiền tăng gấp 2 lần ở khu vực nội thành của 6 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ.
Ngoài ra, dự luật cũng mở rộng danh sách lĩnh vực được áp dụng mức phạt tăng gấp đôi.
Theo đó, tại Hà Nội và khu vực nội thành 5 thành phố trực thuộc Trung ương, mức xử phạt có thể cao hơn đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực: Giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự – an toàn xã hội, văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và an toàn thực phẩm.
Đại biểu đề nghị nội dung này cần tính toán thêm, đồng bộ với thẩm quyền xử lý. Đặc biệt tại địa bàn Hà Nội, dự thảo luật cần xem xét đồng nhất với Luật Thủ đô.
Cùng một vi phạm, đại biểu băn khoăn tại sao quy định mức phạt nơi này lại khác mức phạt khu vực nội thành khác?
Ứng dụng công nghệ thông tin xử lý vi phạm
Cũng thảo luận về dự thảo luật này, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cho rằng, quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính cần bổ sung rõ nguyên tắc pháp lý, trách nhiệm bảo mật thông tin và giá trị pháp lý của dữ liệu điện tử.
Theo đại biểu, quy định mới của dự thảo đang mang tính định hướng tích cực, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý nhà nước. Dự thảo thể hiện sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ nguyên tắc sử dụng dữ liệu số. Bởi nếu không làm rõ, có thể phát sinh tranh chấp về hiệu lực pháp lý của chứng cứ điện tử, trách nhiệm bảo mật, và quy trình đảm bảo tính hợp lệ của việc lập biên bản, ra quyết định xử phạt.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung “dữ liệu điện tử sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính phải được thu thập, lưu trữ, xử lý theo đúng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực và có thể kiểm chứng”.
Về xác minh tình tiết của việc vi phạm hành chính, dự thảo luật quy định người có thẩm quyền xử phạt hoặc lập biên bản có thể xác minh tình tiết, nhưng không quy định rõ thời hạn xác minh, dẫn đến kéo dài, chậm trễ.
Đại biểu cho biết thực tế có nhiều vụ việc bị kéo dài hàng tháng vì “đang xác minh tình tiết”, ảnh hưởng đến quyền lợi người bị xử lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường.
Bà Trinh nêu ví dụ một doanh nghiệp bị đình chỉ xây dựng chờ xác minh hồ sơ vi phạm môi trường trong suốt 2 tháng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng, trong khi thực tế có thể chỉ cần 1 tuần có thể xác minh rõ ràng.
Do đó, đại biểu đề nghị việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải trong thời hạn cụ thể về ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp cần thiết, phải có văn bản gia hạn nêu rõ lý do và có giới hạn ngày làm việc.
Trong quá trình thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính, theo đại biểu, đối với các trường hợp hoãn thi hành quyết định phạt tiền và giảm, miễn tiền phạt được quy định: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét, quyết định việc hoãn, giảm, miễn.
Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp cần phải thực hiện việc xác minh để xem xét, quyết định nhưng công tác xác minh thường kéo dài nhất là đối với các khu vực miền núi giao thông, thời tiết không thuận lợi.
Để việc xem xét, quyết định việc hoãn, giảm, miễn tiền phạt được đảm bảo, đại biểu đề nghị sửa đổi thời hạn xem xét, quyết định việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền, miễn, giảm tiền phạt từ 5 ngày làm việc thành 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn.